Hãy để Điện Mặt Trời phục vụ bạn 24/7

Khí nhà kính, hiệu ứng nhà kính và mọi thông tin cần biết

Khí nhà kính và hiệu ứng nhà kính là những cụm từ thường được nhắc đến khi nói đến biến đổi khí hậu. Vậy khí nhà kính có thực sự gây hại? Để làm rõ vấn đề này, SUNEMIT mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khí nhà kính và hiệu ứng nhà kính là gì?

Khí nhà kính (còn gọi là Greenhouse gases, viết tắt là GHG) là các loại khí trong bầu khí quyển của Trái đất có tác dụng giữ nhiệt.

Vào ban ngày, mặt trời chiếu xuyên qua bầu khí quyển, làm ấm bề ​​mặt trái đất. Vào ban đêm, bề mặt trái đất nguội đi và giải phóng bức xạ nhiệt trở lại không gian. Tuy nhiên một phần nhiệt sẽ được giữ lại bởi khí nhà kính trong khí quyển. Giúp cho trái đất luôn giữ ở mức nhiệt trung bình 14˚C.

Khí nhà kính

Các loại khí này hoạt động giống như bức tường kính của nhà kính, do đó mà chúng có tên là khí nhà kính. Nếu không có hiệu ứng nhà kính này, nhiệt độ trái đất sẽ giảm xuống mức -18˚C và không thể duy trì sự sống cho con người.

Tuy nhiên, hoạt động của con người đang làm thay đổi hiệu ứng nhà kính tự nhiên của Trái đất. Phát thải ra lượng khí nhà kính quá lớn khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài không gian và gây nên sự nóng lên toàn cầu.

Các loại khí nhà kính và các nguồn phát thải khí nhà kính

Carbon dioxide (CO2): Là khí nhà kính chính, chiếm khoảng 3/4 tổng lượng khí thải nhà kính (khoảng 76%). Loại khí này có thể tồn tại trong khí quyển hàng nghìn năm. Khí thải CO2 chủ yếu đến từ việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu, khí đốt tự nhiên và các chất thải rắn.

Mêtan (CH4): Chiếm khoảng 16% tổng lượng khí nhà kính trên trái đất. Khí mêtan được thải ra từ quá trình sản xuất và vận chuyển than, dầu, khí đốt. Ngoài ra, nó cũng là kết quả của chăn nuôi và các hoạt động nông nghiệp khác, hay từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp chất thải rắn. CH4 thường tồn tại trong khí quyển khoảng 12 năm.

Nitơ oxit (N2O): Chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu (chiếm 6%). Tuy nhiên, thời gian tồn tại của nó lại rất lâu, vượt quá 1 thế kỷ. Loại khí thải này được tạo ra từ ngành nông nghiệp và chăn nuôi, bao gồm phân bón, phân chuồng và đốt chất thải nông nghiệp, đốt nhiên liệu,…

Khí flo công nghiệp: Bao gồm hydrofluorocarbons (HFC), perfluorocarbons (PFC) và lưu huỳnh hexafluoride (SF6). Loại khí này chỉ do con người tạo ra trong quá trình công nghiệp và không có trong tự nhiên. Tuy chỉ chiếm 2% tổng lượng khí nhà kính nhưng lại có tác dụng giữ nhiệt cực kỳ mạnh. Cũng giống như CO2, loại khí này tồn tại trong khí quyển đến hàng nghìn năm.

Ngoài ra, còn các khí nhà kính khác như hơi nước và ozon (O3). Trên thực tế, hơi nước là khí nhà kính dồi dào nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nó không được theo dõi vì không phải là loại khí phát thải trực tiếp từ hoạt động của con người. Tương tự như vậy, ozon cũng không được phát thải trực tiếp mà nó xuất hiện từ các phản ứng phức tạp giữa các chất ô nhiễm trong không khí (không nên nhầm lẫn với tầng ozon bảo vệ trong tầng bình lưu).

các nguồn phát thải khí nhà kính

Nguyên nhân nào làm phát thải khí nhà kính nhiều nhất?

Nguyên nhân làm phát thải khí nhà kính nhiều nhất đến từ các lĩnh vực sau:

  • Sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt) để sản xuất điện, nhiệt, năng lượng gây phát thải lượng lớn khí CO2.
  • Quá trình sản xuất công nghiệp: Như sản xuất xi măng, hóa chất cũng góp đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính. Quá trình này không chỉ phát thải CO2 mà cả các loại khí nhà kính khác (CH4 và N2O).
  • Hoạt động nông nghiệp: Quá trình tiêu hóa của động vật (tạo ra CH4) và từ phân bón hóa học tạo ra khí thải N2O.
  • Phá rừng: Đốt rừng giải phóng khí thải CO2, đồng thời giảm khả năng hấp thụ CO2.
  • Xử lý rác thải: Việc chôn lấp các rác thải hữu cơ tạo khí thải CH4. Quá trình đốt rác thải phát thải CO2…

Hậu quả từ việc phát thải khí nhà kính

Phát thải khí nhà kính có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Trái đất, đó là:

  • Biến đổi khí hậu toàn cầu: Nhiệt độ Trái đất tăng lên dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, hạn hán, và nắng nóng xảy ra thường xuyên.
  • Hiện tượng băng tan và nước biển dâng cao: Khiến các vùng ven biển ngập lụt, xói mòn…
  • Mất đa dạng sinh học: Do nhiệt độ tăng, các loài sinh vật không thể thích nghi. Hay việc cháy rừng khiến các loài động vật hoang dã không có môi trường sống.
  • Gây ảnh hưởng đến nền nông nghiệp: Thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán làm giảm năng suất nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến những nước phụ thuộc vào nông nghiệp như nước ta.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe con người: Gây ra các bệnh về đường hô hấp do khói bụi và ô nhiễm không khí…

phát thải khí nhà kính

Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính

Có 2 cách tiếp cận để giảm phát thải khí nhà kính cũng như giảm dấu chân carbon đó là:

  1. Giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch => Giảm phát thải CO2
  2. Phương pháp hút và thu giữ CO2.

1. Loại bỏ năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo

Hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất đến nông nghiệp, vận tải đến sản xuất điện, đều phát thải khí nhà kính. Vì vậy, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cần chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay vì năng lượng hóa thạch.

Các nguồn năng lượng hóa thạch không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn cạn kiệt. Và việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng là nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Trong khi, năng lượng tái tạo là các nguồn năng lượng sạch, dồi dào, và gần như vô tận như: năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, thủy điện, địa nhiệt…

»» Giải pháp điện mặt trời cho các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính

Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch là chưa đủ, chúng ta cần có những phương pháp như thu giữ hoặc hút CO2 từ bầu trời.

2. Thu giữ và hút CO2 từ bầu trời

Các phương pháp này bao gồm trồng cây, bảo tồn rừng hay thu giữ CO2 từ các nhà máy điện.

Hút CO2 trực tiếp từ không khí

Là một giải pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển. Phương pháp này sử dụng hệ thống cơ học để hút khí CO2 từ môi trường. Sau đó, không khí được đi qua các bộ lọc hóa học hoặc vật liệu hấp thụ để giải phóng CO2 ở dạng tinh khiết. Cuối cùng, CO2 được lưu trữ an toàn dưới lòng đất hoặc tái sử dụng cho các mục đích công nghiệp.

Thu giữ và lưu trữ carbon

Phương pháp này thường được áp dụng tại những nơi phát thải nhiều CO2 như nhà máy điện, nhà máy công nghiệp lớn (xi măng, hóa chất…). Quá trình thu giữ CO2 thực hiện như sau:

  • Thu giữ CO2: CO2 được tách ra từ các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp
  • Vận chuyển CO2: CO2 được vận chuyển đến địa điểm lưu trữ thông qua các đường ống hoặc tàu chở.
  • Lưu trữ CO2: CO2 được đưa vào các tầng địa chất sâu dưới lòng đất để lưu trữ an toàn.

các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính

Thực trạng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thực trạng phát thải khí nhà kính đang là một vấn đề đáng lo ngại do nước ta là 1 nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo báo cáo kiểm kê khí nhà kính, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lượng khí thải nhà kính bình quân đầu người ở Việt Nam cũng tăng lên qua các năm. Cụ thể như sau:

Năm 2000: Lượng khí CO2 phát thải là 150,9 triệu tấn.
Năm 2010: Lượng CO2 phát thải là 264,2 triệu tấn.
Năm 2013: Lượng CO2 phát thải giảm nhẹ xuống 259 triệu tấn, nhưng đến năm 2014 lại tăng thành 278,7 triệu tấn.
Năm 2016: Lượng CO2 tiếp tục tăng lên 316,7 triệu tấn.

Trong đó, lĩnh vực phát thải CO2 nhiều nhất ở Việt Nam là ngành năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện từ than đá, tiếp đến là các ngành công nghiệp, giao thông, và nông nghiệp cũng góp 1 phần không nhỏ.

Với thực trạng phát thải khí nhà kính ở mức cao, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đó là:

  • Tại COP26, Việt Nam cam kết đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 và giảm 30% khí metan vào năm 2030.
  • Đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió…

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế và những điều kiện hiện có, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Do đó, để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mỗi cá nhân hãy cùng chung tay xây dựng lối sống xanh, sạch và hướng đến một tương lai bền vững.

5/5 - (1 bình chọn)
Ấn gọi nhanh
Gọi ngay
Ấn gọi nhanh
Tư vấn Về chúng tôi Zalo Messenger