EVN dừng mua điện năng lượng mặt trời từ bao giờ? Vì sao?
Mục Lục
Điện năng lượng mặt trời ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam. Nguyên nhân là do các quốc gia có xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh thay vì năng lượng hóa thạch. Một phần là để giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường, một phần là để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần khan hiếm. Vậy tại Việt Nam, EVN dừng mua điện năng lượng mặt trời từ bao giờ? Khi nào thì chính phủ có chính sách mua điện mặt trời trở lại? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
EVN dừng mua điện năng lượng mặt trời từ khi nào?
Điện năng lượng mặt trời được nhà nước khuyến khích phát triển bằng việc đưa ra chính sách mua bán điện mặt trời vào năm 2017. Tuy nhiên, chính sách này đã dần được thay đổi qua các năm, cụ thể như sau:
Năm 2017, Bộ Công thương lần đầu tiên đưa ra chính sách giá FIT (giá mua bán điện mặt trời) là FIT 1 với mức giá 9,35 US cent / Kwh.
Tuy nhiên, giá FIT 1 chỉ được áp dụng đối với những dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng trước ngày 30 tháng 6 năm 2019.
Sau đó, từ ngày 1 tháng 7 năm 2019, giá mua bán điện mặt trời mới là FIT 2 với mức giá là 6,67 US cent / Kwh đến 10,87 US cent / Kwh (giá bán thay đổi tùy thuộc vào khu vực lắp đặt và loại công nghệ điện mặt trời áp dụng).
Tuy nhiên, mức giá này cũng chỉ áp dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Từ sau thời điểm này, giá FIT sẽ hết hiệu lực. Và cho đến nay, nhà nước vẫn chưa có chính sách mua điện mặt trời trở lại.
Do đó, tất cả các hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt sau ngày 31 tháng 12 năm 2020 đều không thể phát điện mặt trời dư thừa lên lưới và không thể bán điện cho EVN.
Để điện mặt trời không phát lên lưới như quy định của chính phủ hiện nay, hầu hết các hệ thống điện mặt trời đều sử dụng loại biến tần có chức năng bám tải. Biến tần này có tính năng Zero Export, giúp hệ thống điện mặt trời tạo ra lượng điện năng đủ cho các tải tiêu thụ, đảm bảo hệ thống không phát điện dư thừa lên lưới.
Vì sao điện mặt trời áp mái không được bán?
Nguyên nhân là do nhà nước và các cơ quan quản lý lo ngại về việc mất an toàn hệ thống điện.
Do hệ thống điện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, vào lượng bức xạ mặt trời nên sản lượng điện tạo ra không ổn định. Khi trời âm u hoặc vào ban đêm thì điện lưới vẫn phải bổ sung để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu sử dụng. Điều này khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do đó, nhà nước vẫn cần tham gia quản lý và giám sát để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất điện trên cả nước. Điều này được thể hiện trong Quy hoạch điện 8 mới đây của Thủ tướng chính phủ. Cụ thể, công suất điện mặt trời mái nhà sẽ được tăng lên 2.600 MW vào năm 2030. Và khi tổng công suất vượt 2.600 MW thì sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện.
Ngoài ra, các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời hay điện gió có độ tin cậy thấp, trong khi hệ thống điện phải đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cho hệ thống điện, chúng ta cần phải tính toán tỷ lệ nguồn điện tái tạo phù hợp.
Do điện là một mặt hàng đặc biệt, rất khó để tích trữ bởi chi phí lưu trữ rất cao. Mặc dù nhiều nước trên thế giới đã có thể lưu trữ lượng điện năng lớn nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là một câu chuyện của tương lai. Do đó, ở nước ta, cần bao nhiêu điện sẽ sản xuất bấy nhiêu.
Chính vì vậy, điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam hiện nay được quy định lắp đặt dưới hình thức tự sản tự tiêu, không đẩy ra ngoài lưới điện, cũng như không bán lại cho Tập đoàn điện lực và EVN dừng mua điện năng lượng mặt trời. Điều này vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tại chỗ, vừa giảm áp lực lên lưới điện và đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định.
Với niềm yêu thích đối với các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tôi hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống điện mặt trời. Từ đó chọn sử dụng điện mặt trời không chỉ để giảm thiểu chi phí điện năng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hướng đến một tương lai xanh, bền vững hơn.