Các lỗi thường gặp ở tấm pin mặt trời và cách phát hiện chúng
Mục Lục
Các tấm pin mặt trời có tuổi thọ lên đến 20-30 năm và là thành phần bền nhất trong hệ thống điện mặt trời, do đó nếu tấm pin bị lỗi thì hệ thống sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng có thể gây sụt giảm sản lượng điện, giảm tuổi thọ hệ thống và khiến thời gian hoàn vốn trở nên lâu hơn. Vậy các tấm pin mặt trời thường có những lỗi nào? Dấu hiệu nhận biết chúng là gì? Đọc ngay bài viết sau để biết thêm thông tin chi tiết bạn nhé!
Dấu hiệu phát hiện tấm pin mặt trời bị lỗi hoặc hoạt động kém
Để nhận biết lỗi thường gặp ở tấm pin mặt trời, bạn có thể dễ dàng kiểm tra bằng các cách sau:
- So sánh sản lượng điện tạo ra với sản lượng dự kiến: Bạn có thể xem dữ liệu từ hệ thống giám sát năng lượng mặt trời (thường là qua ứng dụng được cài đặt sẵn trên thiết bị di động). Nếu sản lượng điện mặt trời giảm đáng kể so với công suất định mức của hệ thống thì có thể đó là do tấm pin mặt trời bị lỗi. Vì vậy hãy theo dõi hệ thống giám sát thường xuyên để phát hiện kịp thời vấn đề xảy ra đối với tấm pin cũng như các thiết bị khác trong hệ thống.
Lưu ý, vào những ngày nhiều mây hoặc thời tiết quá nóng cũng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tấm pin. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn cần xem xét có phải do yếu tố thời tiết hay do lỗi từ bên trong tấm pin gây ra.
- Các dấu hiệu có thể phát hiện bằng mắt thường: Sự tích tụ của bụi bẩn, lá cây hoặc các vật thể khác trên bề mặt tấm pin cũng sẽ làm giảm đáng kể hiệu suất của các tấm pin mặt trời. Hoặc bóng râm từ cây hoặc tòa nhà gần đó cũng làm cản trở khả năng tạo ra điện của tấm pin. Ngoài ra, các vết nứt, sứt mẻ hoặc các hư hỏng có thể nhìn thấy trên bề mặt tấm pin cũng có tác động xấu đến hiệu suất của tấm pin.
Các lỗi thường gặp đối với tấm pin mặt trời
Có nhiều lỗi trong quá trình sản xuất có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất của tấm pin năng lượng mặt trời như: chất lượng tế bào quang điện, kết cấu khung hoặc kính, thanh cái busbar, lỗi hộp nối… Thông thường các lỗi này có thể nhìn thấy được thông qua sự khác biệt về màu sắc.
Dưới đây là một số lỗi phổ biến thường gặp ở tấm pin mặt trời và làm ảnh hưởng đến hiệu suất, tuổi thọ của chúng.
Các lỗi thường gặp trên tấm pin mặt trời | Nguyên nhân gây ra lỗi tấm pin mặt trời |
Các vệt màu bất thường trên tấm pin | Do phản ứng hóa học giữa vật liệu đóng gói tấm pin với độ ẩm và oxy. |
Xuất hiện các điểm nóng | Các điểm nóng xuất hiện do cell pin không tạo ra điện (do bóng râm, bụi bẩn hoặc lỗi nhà sản xuất). Thay vào đó chúng tiêu thụ năng lượng và tạo ra nhiệt làm ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể tấm pin. |
Các vết nứt nhỏ | Vết nứt có thể xuất hiện do quá trình lắp đặt, vận chuyển hoặc các yếu tố môi trường tác động cơ học lên pin. |
Tấm pin bị tách lớp | Điều này có thể xảy ra do hơi ẩm xâm nhập vào bên trong tấm pin thông qua tấm nền, gây tách lớp các thành phần bên trong pin. |
Hiện tượng PID | Do sự chênh lệch điện áp giữa tế bào quang điện với các thành phần khác của pin như khung, kính hoặc giá đỡ… |
Lỗi Diode | Lỗi Diode trong tấm pin mặt trời có thể tạo ra các điểm nóng và làm giảm hiệu suất tấm pin. |
Vệt màu bất thường trên pin
Các vết sẫm màu xuất hiện trên bề mặt tấm pin là do phản ứng hóa học từ vật liệu đóng gói tấm pin và độ ẩm gây ra. Theo thời gian, phản ứng này có thể hình thành các đường dẫn điện, làm ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của tấm pin.
Để phát hiện sớm hiện tượng này, bạn cần thường xuyên kiểm tra bề mặt của các tấm pin xem có vết đen nào có thể nhìn thấy hoặc sự đổi màu của tấm pin mặt trời hay không.
Trên thực tế, ko có cách nào để sửa các tấm pin bị lỗi trên, và không phải tất cả chúng đều ảnh hưởng đến hiệu suất của tấm pin mặt trời. Tuy nhiên, để được kiểm tra xem lỗi này có ảnh hưởng đến sản lượng điện mặt trời hay không, bạn hãy liên hệ đến nhà sản xuất để được kiểm tra và hỗ trợ thay mới nếu vẫn trong thời gian bảo hành.
Xuất hiện các điểm nóng (Hotspot)
Các điểm nóng có thể xuất hiện khi tấm pin mặt trời bị che bóng, bị bụi bao phủ hoặc do lỗi của nhà sản xuất. Đối với cell pin bị che nắng, chúng không thể tạo ra điện còn các cell pin xung quanh vẫn hoạt động. Khi đó, dòng điện tạo ra từ các cell xung quanh sẽ đổ về cell bị che nắng khiến chúng nóng lên và giảm hiệu suất cục bộ. Và sự nóng lên này cũng khiến tấm pin bị xuống cấp nhanh chóng, về lâu dài có thể đốt cháy tế bào và gây hỏa hoạn.
Vì vậy, để tránh vấn đề này, hãy đảm bảo tấm pin không bị che bóng hoặc bụi bao phủ. Đồng thời, hãy thường xuyên làm sạch tấm pin mặt trời. Nếu phát hiện có điểm nóng xuất hiện trên tấm pin, hãy liên hệ tới nhà sản xuất để được kiểm tra và cân nhắc thay thế nếu muốn đạt được hiệu suất mong muốn.
Vết nứt nhỏ
Các vết nứt nhỏ thường hình thành từ quá trình lắp đặt, vận chuyển hoặc do chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Sự xuất hiện của các vết nứt này có thể tạo ra các điểm nóng, làm giảm hiệu suất của cả tấm pin.
Hiện tượng này có thể phát hiện bằng mắt thường hoặc với các vết nứt cực nhỏ thì cần kiểm tra bằng điện phát quang (ELCD). Vì các vết nứt có thể ảnh hưởng đến hiệu suất cũng như tuổi thọ của tấm pin nên bạn cần liên hệ với nhà cung cấp để được hỗ trợ kiểm tra và bảo hành, tránh gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về sau.
Tấm pin bị tách lớp
Các lớp vật liệu trong tấm pin mặt trời có thể bị tách lớp do hơi ẩm xâm nhập vào tấm nền của pin. Điều này cũng dẫn đến làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của pin.
Đây cũng là lỗi có thể phát hiện bằng mắt thường. Bạn hãy tìm các dấu hiệu như vết bong, phồng rộp hoặc vết tách giữa các lớp hoặc sự đổi màu trên bề mặt tấm. Tùy vào mức độ bong tróc hoặc tách lớp mà bạn cần phải thay mới tấm pin để đảm bảo hiệu suất và cả vấn đề về an toàn khi sử dụng.
Hiện tượng PID
PID là hiện tượng suy giảm hiệu suất tấm pin do sự chênh lệch điện áp giữa các tế bào quang điện với các thành phần khác của pin (chẳng hạn như khung, kính hoặc giá đỡ…). Do khoảng cách giữa các cell pin và khung là rất ngắn, đồng thời vật liệu làm kín không đảm bảo nên dẫn đến dòng điện được tạo ra giữa cell pin và khung, gây rò rỉ điện và làm ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của tấm pin.
Để phát hiện lỗi PID, bạn cần thường xuyên theo dõi sản lượng của hệ thống. Nếu sản lượng điện sụt giảm nhanh chóng hoặc hiệu suất giảm đáng kể trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ cao thì có nguy cơ tấm pin đã bị lỗi PID.
Xem thêm: Hiện tượng LID và PID làm giảm hiệu suất tấm pin mặt trời
Lỗi Diode trong tấm pin mặt trời
Diode trong các tấm pin mặt trời là một thành phần thiết yếu trong các tấm pin mặt trời. Nó có chức năng bảo vệ các cell pin bị che bóng khỏi các cell hoạt động bình thường bên cạnh. Khi đó, nếu Diode bị lỗi sẽ khiến các cell pin bị che bóng dễ hình thành các điểm nóng và gây suy giảm hiệu suất tổng thể của toàn bộ tấm pin.
Để phát hiện lỗi Diode, bạn cần thường xuyên theo dõi hiệu suất của hệ thống điện mặt trời xem có sụt giảm nhiều hay không. Ngoài ra, hãy kiểm tra các tấm pin xem có dấu hiệu hư hỏng hoặc sự đổi màu của tấm pin mặt trời không.
Và để khắc phục lỗi này, cách tốt nhất là thay thế các Diode bị lỗi. Phát hiện sớm và thay thế kịp thời có thể giúp ngăn ngừa các tổn thất và đảm bảo các tấm pin mặt trời hoạt động với hiệu suất tối ưu.
Trên đây là các lỗi thường gặp ở tấm pin mặt trời, nguyên nhân và cách khắc phục lỗi, hi vọng sẽ hữu ích với bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp chi tiết nhất.
Tấm pin mặt trời SU-03 Ntype 580W top đầu thị trường
Tấm pin mặt trời Thế hệ ba SU-03 (580Wp) được sản xuất theo công nghệ mới Ntype mang lại hiệu suất cực cao 22.5%, tạo ra sản lượng điện lớn, giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian hoàn vốn cho công trình.
Không chỉ cung cấp hiệu suất cao, pin còn được nâng cấp về độ bền (tăng ~20% so với thế hệ trước đó). Theo đó, pin được bảo hành với thời gian 15 năm vật lý và 30 năm về hiệu suất, đảm bảo pin luôn đạt hiệu suất trên 80% so với thời điểm ban đầu.
Tấm pin SU-03 Ntype 580W được sản xuất và bảo hành bởi SUNEMIT, thương hiệu Việt 100% giúp khách hàng nhận được dịch vụ bảo hành và bảo trì sản phẩm sau mua tốt nhất.
Để được tư vấn và báo giá chính xác về chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời, khách hàng có thể liên hệ ngay SUNEMIT theo Hotline: 0946868498 – 0943968848.
Với niềm yêu thích đối với các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tôi hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống điện mặt trời. Từ đó chọn sử dụng điện mặt trời không chỉ để giảm thiểu chi phí điện năng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hướng đến một tương lai xanh, bền vững hơn.