Tiêu dùng xanh là gì? Lợi ích của tiêu dùng xanh
Mục Lục
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tăng cao. Vì vậy để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, mỗi quốc gia cần đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng xanh, giảm thiểu các chất thải độc hại ra môi trường, giúp bảo vệ bầu khí quyển và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tiêu dùng xanh là gì?
Tiêu dùng xanh là việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Các sản phẩm thân thiện với môi trường còn được gọi là sản phẩm xanh, đây là các sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, có thành phần hữu cơ, ít gây hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, còn một khái niệm khác thường được nhắc đến là sản xuất xanh, đó là quy trình sản xuất mà tất cả các nguyên liệu đầu cho đến các sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Lợi ích của tiêu dùng xanh
Tác động tích cực đến môi trường sống: Bằng việc sử dụng các sản phẩm xanh như các sản phẩm tái chế, sản phẩm hữu cơ… chúng ta có thể góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế phát triển: Với tiệc tăng cường tiêu thụ các sản phẩm tái chế, người tiêu dùng có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế. Từ đó, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người hơn.
Nâng cao nhận thức cộng đồng: Việc tiêu dùng xanh góp phần tích cực trong việc giúp mọi người nâng cao nhận thức về hành vi tiêu dùng của mình, tạo thói quen tiêu dùng xanh và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bảo vệ nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai: Sử dụng các sản phẩm tái chế, tái tạo được sẽ giúp làm giảm mức độ tiêu thụ các nguồn tài nguyên hóa thạch không thể tái tạo, từ đó giúp bảo vệ nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam hiện nay
Tiêu dùng xanh đang dần trở thành xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nó xuất phát từ mong muốn bảo vệ nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Đặc biệt khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống của người dân nâng cao thì nhu cầu về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tốt cũng gia tăng mạnh mẽ. Điều này được thể hiện qua kết quả của nhiều cuộc khảo sát. Trong đó, mới đây nhất là khảo sát của Nielsen Việt Nam. Kết quả cho thấy có tới 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được chứng nhận là “xanh” và “sạch” trên thị trường. Do đó, để cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp đã dần chuyển sang đầu tư sản xuất vào các sản phẩm mang tính “xanh” và “sạch”.
Trong một nghiên cứu khác, Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra rằng các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” đều có mức tăng trưởng doanh thu khoảng 4% mỗi năm. Để đạt được mức tăng trưởng này, các doanh nghiệp xanh đã thực hiện nghiêm ngặt chính sách tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng, đồng thời kết hợp đầu tư vào hệ thống điện mặt trời, các nguồn năng lượng tái tạo để tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm chi phí vận hành, từ đó gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Xem chi tiết: Doanh nghiệp xanh và các bước để trở thành doanh nghiệp xanh
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam cũng dần dịch chuyển sang việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường hơn như bao bì giấy, lá,… Ví dụ tại một số siêu thị lớn như Co.opmart, Lotte mart cũng đã có những chiến dịch nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon bằng cách sử dụng lá chuối để gói thực phẩm, rau củ… Hay các cửa hàng kinh doanh đồ uống cũng chuyển hướng sang tiêu dùng xanh bằng việc thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre hoặc inox, sử dụng cốc giấy thay thế cốc nhựa thông thường…
Như vậy, có thể thấy rằng, nhận thức của người tiêu dùng tại Việt Nam trong việc tiêu dùng xanh đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Rất nhiều hoạt động tuyên truyền đã được thúc đẩy để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng các sản phẩm xanh, hỗ trợ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phạm vi tác động còn tương đối hẹp nên hiệu quả chuyển đổi chưa cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có những quy chế riêng trong việc tiêu dùng xanh. Thay vào đó mới chỉ có những quy định về hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Chưa có những chỉ định hay công cụ mạnh để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng từ tiêu dùng không “xanh” sang tiêu dùng xanh. Điều này cũng là nguyên nhân khiến xu hướng tiêu dùng xanh chưa thực sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Các hành động để thực hiện tiêu dùng xanh
Để trở thành người tiêu dùng xanh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững, mỗi cá nhân và tổ chức có thể chung tay thực hiện thông qua các hành động cụ thể như:
Sử dụng năng lượng tiết kiệm
Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi tiêu dùng xanh. Bởi năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam chủ yếu vẫn được khai thác từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Khi đốt cháy nguồn nhiên liệu này sẽ tạo ra khí CO2 là chất thải gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng là cần thiết đối với một quốc gia theo xu hướng tiêu dùng xanh.
Xem thêm: Các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo
Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… là một cách để bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên. Các sản phẩm năng lượng mặt trời được sử dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến như hệ thống điện năng lượng mặt trời, đèn năng lượng mặt trời, máy bơm năng lượng mặt trời… Mặc dù những sản phẩm này có giá cao hơn so với các sản phẩm truyền thống, nhưng chúng có lợi cho môi trường và giúp người dùng có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời miễn phí, mang lại lợi ích lâu dài.
Mua và sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện
Để góp phần vào việc tiêu dùng xanh, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng hơn là những sản phẩm tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Do đó, trước khi mua hàng, hãy kiểm tra nhãn năng lượng trên các thiết bị của bạn. Bạn có thể chọn các thiết bị điện sử dụng công nghệ inverter sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tốt hơn.
Sử dụng các sản phẩm tái chế, hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần
Mua các sản phẩm có thể dùng lại nhiều lần để giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường. Ví dụ như thay vì mua nước đóng chai, bạn có thể chọn một chai nước có thể sử dụng lại. Hay có thể sử dụng khăn vải và giặt lại thay thế cho khăn giấy. Tuy đây chỉ là những việc làm nhỏ nhưng chúng đều có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Tham gia vào các chiến dịch vì môi trường
Tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa, giúp bảo vệ môi trường và trái đất như các hoạt động thu gom rác thải nhựa, dọn dẹp rác thải tại các khu công cộng… Tất cả các hoạt động này sẽ giúp loại bỏ rác thải ô nhiễm và cải thiện môi trường sống cho chính chúng ta.
Ngoài ra còn rất nhiều cách thức khác để bạn có thể góp một phần vào xu hướng tiêu dùng xanh của trái đất. Vì vậy hãy cùng SUNEMIT ưu tiên sử dụng các sản phẩm “xanh” và “sạch”, đồng thời tuyên truyền cho những người xung quanh để cùng nâng cao ý thức về việc tiêu dùng xanh, giúp bảo vệ chính môi trường sống và sức khỏe con người chúng ta.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.