Chính thức: Điện mặt trời mái nhà dư thừa được bán lên lưới điện quốc gia
Mục Lục
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định điện mặt trời mái nhà dư thừa được phát lên lưới và bán lại với mức giá bằng giá điện bình quân trên thị trường trong năm trước đó do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Điện mặt trời mái nhà không dùng hết được bán lên lưới điện quốc gia
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng bao gồm: nhà ở, cơ quan công sở, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Nghị định 135 quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt.
Giá mua bán điện mặt trời dư phát lên lưới được quy định bằng giá điện bình quân trên thị trường trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Tập đoàn Điện lực EVN sẽ là đơn vị mua và thanh toán cho các tổ chức, cá nhân bán điện mặt trời dư lên lưới điện quốc gia.
Đối với các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái các công trình công sở hoặc công trình là tài sản công sẽ không được thực hiện mua bán điện mặt trời dư.
Nghị định quy định nhiều chính sách khuyến khích
Các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà được miễn giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:
- Các hệ thống điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phát triển không giới hạn công suất và miễn giấy phép hoạt động điện lực.
- Các hệ thống lắp đặt thiết bị chống phát ngược điện lên lưới.
- Các hệ thống điện mặt trời áp mái cho nhà ở, hộ gia đình có công suất dưới 100kW.
Ngoài ra, các hệ thống có công suất lắp đặt dưới 1.000 kW sẽ không phải thực hiện cấp giấy phép đăng ký, chỉ cần thông báo cho các cơ quan chức năng để quản lý, theo dõi, điều độ an toàn hệ thống điện.
Ngược lại, các hệ thống có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư thừa lên lưới thì cần thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và có giấy phép hoạt động điện lực.
Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành; được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành hiện hành.
Cùng với đó, Nghị định 135 khuyến khích các tổ chức và cá nhân tự chủ trong việc quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) nhằm đảm bảo sự an toàn và ổn định trong vận hành hệ thống điện.
Theo dõi sunemit.com để cập nhật các thông tin mới nhất về cơ chế mua bán điện mặt trời bạn nhé!
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.