Tìm hiểu về CB DC (cầu dao cho điện một chiều) trong hệ thống điện mặt trời
Mục Lục
Trong hệ thống điện mặt trời, để ngăn ngừa sự cố quá tải và ngắn mạch xảy ra làm ảnh hưởng đến hiệu suất, sự ổn định và an toàn của hệ thống thì chắc chắn không thể thiếu CB DC. Vậy CB DC là gì? Thiết bị đóng vai trò như thế nào đối với hệ thống điện mặt trời? Có nên sử dụng CB AC cho hệ thống điện mặt trời hay không? Cùng SUNEMIT giải đáp ngay trong bài viết sau bạn nhé!
CB DC và CB AC là gì?
CB hay còn được gọi là cầu dao, Aptomat. Nó là thiết bị đóng ngắt dòng điện khi hệ thống điện gặp hiện tượng quá tải, ngắn mạch hoặc thấp áp… Nhờ đó CB có thể bảo vệ hệ thống điện và con người khỏi những tình huống nguy hiểm.
Trong hệ thống điện mặt trời, có hai dòng điện tồn tại là dòng điện DC và dòng điện AC. Do đó cần hai loại cầu dao tương ứng là cầu dao cho điện xoay chiều (CB AC) và cầu dao cho điện một chiều (CB DC).
- CB DC là loại thiết bị đóng cắt dòng điện một chiều. Nó thường được trang bị trong tủ điện năng lượng mặt trời. Bộ ngắt mạch DC có chức năng ngắt mạch khi dòng điện vượt quá dòng điện định mức hoặc ngắt mạch khi xuất hiện dòng ngắn mạch.
- CB AC là thiết bị đóng cắt dòng điện xoay chiều, giúp bảo vệ hệ thống dây điện khỏi mức điện áp quá cao.
Sự khác biệt giữa CB DC và CB AC
CB DC và CB AC cùng là thiết bị ngắt mạch nhưng chúng được sử dụng cho các loại dòng điện khác nhau. Cụ thể, cầu dao DC chỉ được sử dụng cho mạch điện DC và cầu dao AC chỉ sử dụng cho mạch AC. Ngược lại, cầu dao AC sẽ không thể sử dụng cho mạch điện DC và cầu dao DC cũng không thể dùng cho mạch điện AC. Nguyên nhân là do cách thức hoạt động của hai thiết bị này hoàn toàn khác nhau.
- Cách hoạt động của CB DC: Bộ đóng ngắt DC được trang bị một hệ thống nam châm để hút các tia hồ quang và dập tắt các tia hồ quang đó. Trong khi đó, bộ ngắt AC không có nam châm nên không thể dập tắt hồ quang của dòng điện DC, dẫn đến hiện tượng quá nhiệt và gây ra hỏa hoạn.
- Cách hoạt động của CB AC: Bộ ngắt mạch AC không có nam châm mà thay vào đó chỉ có điện trở nhiệt trên thân (là thanh lưỡng kim). Khi dòng điện quá cao, thanh lưỡng kim này sẽ nóng lên và giãn nở, kéo công tắc CB nhảy và làm ngắt mạch điện.
Do đó, trong hệ thống điện mặt trời, bạn không được sử dụng CB AC cho mạch điện DC.
Vai trò của CB DC trong hệ thống điện mặt trời
Bất kỳ một hệ thống điện mặt trời nào đều được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau. Để đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru, an toàn và hiệu quả thì đòi hỏi mọi thiết bị trong hệ thống phải hoạt động tốt, phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm ngăn ngừa những sự cố nhỏ nhất có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
Do đó, bộ ngắt mạch DC cũng là một trong những thành phần thiết yếu nhất cần có của hệ thống điện mặt trời, giúp bảo vệ mạch điện DC khỏi sự cố quá tải, ngắn mạch và các tình huống nguy hiểm khác. Dưới đây là những vai trò chính của bộ ngắt mạch DC:
- Chống quá dòng: Khi dòng điện vượt quá giá trị định mức, CB DC sẽ tự động ngắt mạch để bảo vệ an toàn cho mạch, ngăn ngừa hư hại và hỏng hóc cho các thiết bị điện.
- Bảo vệ ngắn mạch: Khi xảy ra hiện tượng ngắn mạch, CB DC sẽ phát hiện và ngắt mạch nhanh chóng, tránh tổn hại cho mạch và các thiết bị khác.
- Đảm bảo an toàn: Khi gặp các sự cố trong mạch, CB DC sẽ ngắt mạch để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và người sử dụng, ngăn ngừa các hiện tượng chập điện, cháy nổ gây thiệt hại cả về người và của.
- Đặc biệt đối với các tấm pin mặt trời: Bộ ngắt mạch giúp bảo vệ các mạch điện và bảo vệ tấm pin khỏi sự cố hỏng hóc – một trong những thành phần đắt tiền nhất của hệ thống điện mặt trời.
Như vậy có thể thấy CB DC là một thành phần quan trọng của hệ thống năng lượng mặt trời. Nếu không có thiết bị này, các tấm pin mặt trời có thể dễ bị hỏng và khiến hệ thống điện mặt trời gặp lỗi, làm ảnh hưởng đến hiệu suất của toàn hệ thống.
Lưu ý khi chọn CB DC cho hệ thống điện mặt trời
Để chọn bộ ngắt mạch DC cho hệ thống điện mặt trời, bạn cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Xác định dòng điện định mức của hệ thống: Bạn có thể tính toán dựa trên hệ thống các tấm pin mặt trời được lắp đặt (xem cách tính dòng điện và điện áp hệ thống chi tiết tại đây)
- Xem điện áp hoạt động: Đảm bảo điện áp hoạt động của CB DC phải tương thích với hệ thống điện mặt trời.
- Khả năng chịu tải: Bộ ngắt mạch DC phải có đủ khả năng chịu tải để xử lý dòng điện định mức của hệ thống điện mặt trời, giúp bảo vệ hệ thống và các thiết bị khỏi các sự cố nguy hiểm về mạch điện.
- Bảo trì và thay thế dễ dàng: Bộ ngắt mạch DC cần được thiết kế để dễ dàng bảo trì, kiểm tra và thay thế khi cần thiết.
- Tư vấn từ chuyên gia: Trong trường hợp bạn không am hiểu về an toàn điện, để chắc chắn hơn trong việc lựa chọn bộ ngắt điện DC, hãy nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia điện mặt trời SUNEMIT.
Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức hữu ích về hệ thống năng lượng mặt trời cũng như những công nghệ mới nhất trong ngành, đừng quên theo dõi SUNEMIT và liên hệ cho chúng tôi khi có nhu cầu lắp điện mặt trời bạn nhé!
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.