Tăng khung giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 3/2/2023
Mục Lục
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định mới nhất về việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 3/2/2023. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu hiện nay là 1.826,22 đồng/1kWh và mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/1kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Như vậy, con số này tăng so với mức quy định cũ là 220 đồng/1kWh (đối với mức tối thiểu) và tăng 538 đồng (đối với mức tối đa).
Tăng “khung giá bán lẻ điện bình quân”
Trước đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN về việc tăng giá điện vào năm 2023 nhằm cân đối dòng tiền hoạt động, Chính phủ đã quyết định tăng “khung giá bán lẻ điện bình quân”.
Việc tăng “khung giá bán lẻ điện bình quân” này thực chất vẫn chưa làm thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt và điện kinh doanh hiện nay. Bởi “khung giá bán lẻ điện bình quân” chính là mức giá sàn và trần để Chính phủ quyết định mức “giá bán lẻ điện bình quân”. Dựa trên mức khung này và báo cáo kết quả kinh doanh điện năm 2022 của EVN mà Bộ Công Thương sẽ đưa ra “giá bán lẻ điện bình quân” phù hợp cho năm 2023.
Hiện nay giá bán lẻ điện bình quân vẫn là 1.864,44 đồng/1kWh (mức giá này được áp dụng từ năm 2019 cho đến nay). “Giá bán lẻ điện bình quân” chính là cơ sở để tính toán mức giá bán lẻ điện sinh hoạt, điện kinh doanh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp.
Nguyên nhân tăng khung giá bán lẻ điện bình quân
Nguyên nhân dẫn đến việc “tăng khung giá bán lẻ điện bình quân” hiện nay là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo lỗ năm 2022 và nếu giá điện bán lẻ vẫn giữ nguyên thì EVN sẽ lỗ nặng hơn trong năm tiếp theo, từ đó không thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu.
Theo báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN ước tính lỗ khoảng 31 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Và nếu giá bán lẻ điện không tăng, dự kiến trong năm 2023, số lỗ này sẽ tăng lên đến 93 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2022.
Nguyên nhân khiến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ nặng là do giá của các nhiên liệu đầu vào tăng cao (bao gồm giá than nhập, giá dầu, giá khí…) trong khi giá bán lẻ điện lại giữ nguyên.
Vì vậy để cung cấp đủ nguồn điện năng cho các hoạt động xã hội, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư, EVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sớm nhất.
Theo đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN sớm tổng hợp báo cáo tài chính, quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 để Bộ có thể đưa ra phương án giá điện bán lẻ trung bình sớm nhất, khắc phục các vấn đề mà EVN đang gặp phải.
Với niềm yêu thích đối với các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tôi hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống điện mặt trời. Từ đó chọn sử dụng điện mặt trời không chỉ để giảm thiểu chi phí điện năng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hướng đến một tương lai xanh, bền vững hơn.