Tìm hiểu về ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam
Mục Lục
Công nghiệp năng lượng là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của nước ta. Vậy ngành công nghiệp năng lượng là gì? Vai trò và cơ cấu ngành ra sao? Thực trạng ngành công nghiệp năng lượng ở Việt Nam như thế nào? Để hiểu rõ về lĩnh vực này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về ngành công nghiệp năng lượng
Công nghiệp năng lượng được hiểu là ngành công nghiệp liên quan đến sản xuất và kinh doanh năng lượng. Hoạt động của ngành sẽ bao gồm việc khai thác, chế tạo, sản xuất và phân phối nguyên nhiên liệu. Đặc biệt, hiện nay hầu hết mọi quốc gia đều tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu. Điều này giúp ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế trọng điểm, là tiền đề cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của một quốc gia.
Công nghiệp năng lượng bao gồm những ngành nào?
Hiện nay, ngành công nghiệp năng lượng bao gồm hai ngành chính là: ngành công nghiệp khai thác nguyên/ nhiên liệu và ngành khai thác điện lực. Trong đó, ngành khai thác nguyên/ nhiên liệu ở Việt Nam chủ yếu là khai thác than và dầu mỏ. Do đó, có thể nói ngành công nghiệp năng lượng hiện nay bao gồm 3 ngành:
Ngành công nghiệp khai thác than
Đây là ngành công nghiệp lâu đời của nước ta, chủ yếu được khai thác dưới hai hình thức khai thác lộ thiên và hầm lò. Sản lượng than khai thác tập trung nhiều nhất tại Quảng Ninh với khoảng 3 tỷ tấn, trong đó chủ yếu là than antraxit (hay than anthracite), chiếm tới 90% sản lượng than trên cả nước. Ngoài ra, 10% than còn lại là các loại than như than nâu, than bùn… được khai thác từ các vùng khác như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành công nghiệp khai thác dầu khí
Ngành công nghiệp dầu khí phát triển muộn hơn so với ngành công nghiệp khai thác than. Tuy nhiên, dù mới hình thành từ năm 1986 nhưng công nghiệp khai thác dầu khí liên tục tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ sau đó. Tại Việt Nam, trữ lượng dầu mỏ được khai thác lên đến vài tỷ tấn và hàng trăm m3 khí mỗi năm. Trong đó, phần lớn lượng dầu khí được khai thác ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa phía Nam. Đặc biệt, không thể không nhắc đến hai bể dầu khí tiềm năng nhất nước ta là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Đây chính là nguồn năng lượng tuyệt vời cho các nhà máy sản xuất phân đạm và các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay.
Ngành công nghiệp khai thác điện lực
Đây cũng là một ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh thuộc ngành công nghiệp năng lượng. Điều này thể hiện ở việc sản lượng điện cung ứng ra thị trường tăng đều mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ điện từ nhà máy thủy điện và nhà máy nhiệt điện chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, cơ cấu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2020, nguồn điện tạo ra từ ngành năng lượng tái tạo chiếm đến 12% tổng sản lượng điện toàn quốc. Trong đó, riêng điện mặt trời đã chiếm tới trên 10%. Đây là dấu hiệu đáng mừng và có ý nghĩa quan trọng đối với những quốc gia phát triển bền vững.
Vai trò của ngành công nghiệp năng lượng
Ngành công nghiệp năng lượng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia. Cụ thể:
Thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển: Ngành công nghiệp năng lượng được coi là nền tảng, là cơ sở để triển khai các ngành công nghiệp khác, từ ngành công nghiệp cơ bản đến ngành công nghiệp trọng điểm. Nếu không có sự hỗ trợ của ngành công nghiệp năng lượng thì các ngành công nghiệp khác cũng sẽ gặp khó khăn. Một ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng, đó là sản phẩm điện. Điện là yếu tố cần cho mọi hoạt động sống và sản xuất, kinh doanh của con người. Không có điện, hầu hết mọi hoạt động đều trì trệ và không thể thực hiện.
Thúc đẩy nền kinh tế: Do tác động đến các ngành công nghiệp khác nên ngành công nghiệp năng lượng cũng tác động chung đến cả nền kinh tế. Sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng kéo theo sự thay đổi tích cực của nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều năng lượng. Ví dụ như ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất… Điều này giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện trạng ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp năng lượng được coi là một ngành công nghiệp trọng điểm bởi nguồn nguyên nhiên liệu phong phú, đa dạng và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Đi cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển, kéo theo nền kinh kế cũng phát triển và tăng trưởng theo.
Nguồn nguyên nhiên liệu phong phú, đa dạng
Việt Nam nổi tiếng là một quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Với trữ lượng than, dầu khí lớn, cùng việc đầu tư vào khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện… giúp ngành công nghiệp năng lượng ngày càng phát triển, cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho nền kinh tế và cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Đặc biệt, với hệ thống sông ngòi dày đặc thì tiềm năng thủy điện ở nước ta là rất lớn. Về lý thuyết, thủy điện có thể đạt mức công suất 30 triệu KW và mang tới sản lượng điện 260 – 270 tỷ kWh. Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời cũng là nguồn tài nguyên được đánh giá cao tại Việt Nam. Do lượng bức xạ mặt trời ở nước ta tương đối cao, một năm có tới 2.000 – 2.600 giờ nắng (đối với miền Trung, miền Nam) và ở miền Bắc là khoảng 1.500 – 1.700 giờ nắng. Đây là điều kiện tốt để tạo ra sản lượng điện năng lớn. Vì vậy, năng lượng mặt trời ngày càng được quan tâm và đưa vào sử dụng nhiều hơn.
Xem thêm: Bản đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam
Tiềm năng phát triển lâu dài
Cũng nhờ nguồn nguyên nhiên liệu phong phú mà nền công nghiệp năng lượng có thể phát triển lâu dài và bền vững. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ của ngành công nghiệp năng lượng rất rộng lớn. Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, khiến nhu cầu về năng lượng tăng cao. Điều này có tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng.
Khi ngành công nghiệp năng lượng phát triển sẽ kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển theo. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế – xã hội được cải thiện, giúp gia tăng tổng thu nhập cho nền kinh tế quốc gia, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Hi vọng với những thông tin cung cấp trên đây về ngành công nghiệp năng lượng đã giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc ban đầu và bổ sung những kiến thức hữu ích cho bản thân. Đừng quên theo dõi SUNEMIT để cập nhật những kiến thức mới nhất nhé!
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.