Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án mua điện mặt trời mái nhà mới
Bộ Công Thương đã đưa ra hai phương án chính sách mới cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Hai phương án mua bán điện mặt trời mái nhà mới
Tại báo cáo ngày 5/8, Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình về một số nội dung trong nghị định liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Theo đó, Bộ đề xuất 2 phương án mua bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có kết nối với hệ thống điện quốc gia.
Phương án 1: Điện mặt trời mái nhà nếu không sử dụng hết có thể bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt đối với khu vực miền Bắc và không quá 10% đối với các khu vực còn lại.
Trong đó, công suất lắp đặt không được vượt quá công suất đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ có trách nhiệm thanh toán sản lượng điện phát dư lên lưới nhưng không quá 20% công suất lắp đặt đối với miền Bắc và không quá 10% đối với các khu vực còn lại.
Phương án 2: Điện mặt trời mái nhà nếu không sử dụng hết có thể bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Tại đây, công suất lắp đặt thực tế cũng không được vượt quá mức công suất đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
EVN sẽ thanh toán lượng điện phát dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không vượt quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Đối với cả 2 phương án trên, Giá mua bán điện mặt trời phát dư lên lưới sẽ do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận. Tuy nhiên, mức giá này phải nhỏ hơn hoặc bằng với giá điện bình quân trên thị trường ở năm trước liền kề.
Hai phương án được Bộ Công thương đưa ra dựa trên các yêu cầu của Phó thủ tướng, đó là “Trên cơ sở thực tiễn của nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện theo đặc thù của từng vùng miền, từ đó có chính sách khuyến khích, huy động lắp đặt điện mặt trời phù hợp…”
Theo đó, phương án 1 có ưu điểm là khuyến khích các tỉnh thành phía Bắc gia tăng nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái. Bởi đây là khu vực có năng lượng bức xạ thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, điều này lại tạo sự phân biệt giữa các vùng miền.
Còn đối với phương án 2, theo Bộ Công thương, chính sách này sẽ phù hợp trong thời điểm hiện nay. Trong thời gian tới, khi các điều kiện về pháp lý và kỹ thuật cho phép, quy mô phát triển điện mặt trời tại miền Bắc sẽ được xem xét và bổ sung theo đúng quy định tại Luật Quy hoạch.
Liên quan đến những dự án đã phát triển trước khi có nghị định mới này, Bộ Công thương đề xuất những khách hàng lắp đặt sau ngày 31/12/2020 không đấu nối với hệ thống điện quốc gia và các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ đã lắp đặt hệ thống nối lưới đều phải gửi thông tin về quy mô, địa điểm đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận phát triển.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.