Tủ điện là gì? Cấu tạo, phân loại và chức năng hoạt động
Mục Lục
Tủ điện là một bộ phận quan trọng của hệ thống điện. Nó có chức năng bảo vệ các thiết bị đóng cắt điện, bảo vệ thiết bị điều khiển, đồng thời là khu vực đấu nối để phân phối điện cho nhà ở và các công trình dự án. Vậy để hiểu rõ hơn tủ điện là gì, cấu tạo, vai trò, chức năng, cũng như các loại tủ điện hiện nay, hãy cùng SUNEMIT tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
Tủ điện là gì?
Tủ điện là một thiết bị bao gồm các linh kiện điện tử, phụ kiện và dây cáp được sắp xếp và kết nối với nhau để điều khiển và bảo vệ hệ thống điện trong một công trình xây dựng hoặc một nhà máy sản xuất.
Tủ điện có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện và người sử dụng, cũng như trong việc điều khiển và phân phối nguồn điện cho các thiết bị khác nhau trong hệ thống. Tủ điện thường được sử dụng trong các công trình xây dựng như nhà ở, đơn vị sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học và các công trình kiến trúc khác.
Cấu tạo tủ điện gồm những gì?
Tủ điện thường có kết cấu hình chữ nhật hoặc hình vuông. Tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng mà tủ điện sẽ có cấu tạo và chức năng hoạt động khác nhau. Nhưng nhìn chung, hầu hết các loại tủ điện thường có cấu tạo gồm: phần vỏ và phần bên trong.
- Phần vỏ thường được làm từ các tấm kim loại và được phủ một lớp sơn tĩnh điện nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
- Phần bên trong tủ là nơi chứa các thiết bị điện, bảng điện, mạch điện… Trong đó, ba thiết bị quan trọng nhất trong tủ điện là nút nhấn, aptomat và rơ le. Ngoài ra, tùy vào từng loại tủ điện mà nó sẽ được trang bị thêm các thành phần khác như lưới lọc bụi, quạt tản nhiệt, contactor, biến tần… để phù hợp với chức năng của từng loại.
Các loại tủ điện phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện nay có đa dạng các loại tủ điện khác nhau. Dựa theo thành phần, chức năng và mục đích sử dụng, có thể chia tủ điện thành các loại như sau:
Tủ điện phân phối chính (MSB)
Tủ MSB là gì? Đây là loại tủ điện được sử dụng chủ yếu để phân phối điện cho các phụ tải công suất lớn. Chúng được thiết kế theo dạng mô-đun và tạo thành một hệ thống phân phối điện hoàn chỉnh. Các thiết bị bên trong tủ điện được sắp xếp để phù hợp với từng nhu cầu sử dụng từ phía khách hàng.
Thông thường, tủ điện MSB được chế tạo theo tiêu chuẩn IEC 60439. Phần vỏ tủ điện được làm từ thép mạ kẽm và được sơn tĩnh điện. Còn các thành phần khác như nắp tủ, các mặt bên và mặt sau của tủ đều có thể tháo lắp dễ dàng, cho phép thợ điện có thể lắp đặt, sửa chữa hay bảo trì một cách thuận tiện.
Tủ điện điều khiển trung tâm (MCC)
Tủ MCC là gì? Là loại tủ điện điều khiển động cơ, có nhiệm vụ điều khiển và bảo vệ động cơ công nghiệp, các động cơ công suất lớn như máy bơm, thủy lợi…
Các bộ phận bên trong tủ điện MCC gồm bộ biến tần, bộ khởi động mềm, bộ khởi động trực tiếp, bộ khởi động sao – tam giác, bộ khởi động bằng máy biến áp và nhiều thiết bị điều khiển, bảo vệ và hiển thị khác. Chúng hoạt động theo cơ chế đóng ngắt, đảo chiều quay hoặc thay đổi tốc độ quay của động cơ.
Về thiết kế, tủ điện MCC thường có phần khung và các mặt tủ bằng thép mạ điện, tất cả đều được phủ lớp sơn tĩnh điện. Loại tủ này có thể được lắp cố định hoặc di chuyển tùy theo yêu cầu của phía khách hàng.
Tủ điện chuyển mạch (ATS)
Tủ điện ATS thường được sử dụng ở những nơi cần cấp điện liên tục với nguồn dự phòng là máy phát điện. Đảm bảo các phụ tải được cấp điện cả trong những lúc điện lưới gặp sự cố.
Đối với trường hợp tủ điện chuyển đổi từ điện lưới sang nguồn dự phòng để cung cấp điện cho tải thì hệ thống sẽ hoạt động với mức điện áp 380V/415V, dòng điện định mức 1600A/2000A/2500A/3200A/6300A và thời gian chuyển mạch là 5 đến 10 giây.
Tủ điện MDB
Giải đáp cho câu hỏi tủ điện MDB là gì thì tủ điện MDB là tủ phân phối chính, có nhiệm vụ trung gian trong hệ thống điện hạ thế. Thực hiện chức năng lấy nguồn điện từ tủ điện tổng MSB và phân phối đến các phụ tải. Thông thường, loại tủ này được lắp ở phía sau tủ tổng MDB và phía trước tủ điện DB.
Tủ MDB được thiết kế với phần vỏ được làm bằng thép mạ kẽm, kết hợp với lớp phun sơn tĩnh điện cho độ bền chắc chắn. Bên trong tủ gồm nhiều ngăn với các chức năng riêng. Có thể kể đến các ngăn như:
- Ngăn để chứa các thiết bị bảo vệ chính gồm có MCCB, ACB…
- Ngăn để chứa các thiết bị bảo vệ ngỏ tải gồm MCB, MCCB, ACB…
- Bên cạnh đó, tủ điện còn chứa các thiết bị khác giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, chẳng hạn như relay bảo vệ pha, relay quá dòng, relay chạm đất…
Tủ điện MDB giúp bảo vệ và hỗ trợ các thiết bị điện hoạt động tốt nhất, tránh hiện tượng quá tải. Do đó, chúng thường được sử dụng nhiều trong các nhà xưởng ở lĩnh vực cơ khí.
Tủ điện phân phối (DB)
Tủ DB thường dùng để phân phối điện cho một tầng trong tòa nhà hay trong các nhà máy, phân xưởng. Do đó, thiết kế tủ cũng sẽ nhỏ gọn và thẩm mỹ hơn.
Ngoài ra, tủ điện phân phối cũng được thiết kế chuẩn, phân chia theo màu đỏ, vàng, xanh để hỗ trợ thợ điện lắp đặt, bảo trì, cũng như sửa chữa các thiết bị bên trong dễ dàng hơn.
Tủ điện phòng cháy chữa cháy
Tủ điện PCCC hay còn gọi là tủ điện điều khiển máy bơm chữa cháy có chức năng đảm bảo hệ thống máy bơm nước hoạt động hiệu quả trong suốt quá trình vận hành. Lắp đặt tủ điện PCCC cho công trình dân dụng hay công nghiệp đều giúp giảm thiểu tối đa những nguy hại xảy ra từ các vụ cháy, nổ trong các tòa nhà, khu vực sản xuất, trường học, bệnh viện… Từ đó, hỗ trợ hệ thống phòng cháy chữa cháy hoạt động an toàn hơn.
Tủ điện điều khiển ánh sáng
Đây là loại tủ điện được sử dụng cho hệ thống chiếu sáng tại các khu vực công cộng như công viên, cầu đường, khu đô thị, vườn hoa, hay các khu văn phòng, trung tâm thương mại, sân vận động, bến cảng, sân bay…
Tủ tụ bù
Loại tủ điện này được ứng dụng chủ yếu trong các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Tủ tụ bù có chức năng bù công suất cho các phụ tải, với công suất bù lên đến 600kVAR.
Tủ điện năng lượng mặt trời
Là thiết bị quan trọng trong hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nó có chức năng truyền tải điện từ hệ thống pin mặt trời lên điện lưới quốc gia. Đồng thời, giúp hệ thống hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, giảm thất thoát điện năng đến các thiết bị điện.
Tủ điện năng lượng mặt trời thường được thiết kế với phần vỏ dày dặn, kín nên có khả năng chống bụi, chống nước tốt. Đồng thời, các thiết bị bên trong tủ điện luôn được các kỹ thuật viên đấu nối chính xác. Điều này đảm bảo độ an toàn cao cho người sử dụng.
Các ứng dụng của tủ điện
Tủ điện được sử dụng phổ biến trong cả hệ thống điện dân dụng và công nghiệp. Cụ thể như sau:
Đối với hệ thống điện dân dụng
Tủ điện dân dụng được dùng phổ biến trong các tòa nhà, khu văn phòng, nhà máy, xí nghiệp… Chúng được ứng dụng trong các động cơ bơm, quạt, các loại động cơ cần thay đổi tốc độ và động cơ có công suất lớn khác…
Đối với hệ thống điện công nghiệp
Tủ điện công nghiệp được dùng để điều khiển các động cơ điện hay các máy móc thiết bị, đảm bảo chúng hoạt động ổn định nhất. Thông thường, các loại tủ điện công nghiệp sẽ có công suất lớn và độ bền cao. Chúng được lắp tại nhiều khu vực như các nhà máy, phân xưởng sản xuất, các trung tâm thương mại, các công trình hay các khu công nghiệp lớn.
Như vậy, có thể thấy tủ điện được ứng dụng vô cùng phổ biến trong cuộc sống. Việc hiểu rõ tủ điện là gì, cấu tạo, phân loại và chức năng hoạt động sẽ giúp người dùng có thêm những kiến thức bổ ích và sử dụng hệ thống điện hiệu quả, an toàn hơn.
ĐIỆN MẶT TRỜI SUNEMIT – CAM KẾT UY TÍN & CHẤT LƯỢNG
- Hotline: 0946868498 – 0943968848
- Website: https://sunemit.com
- Facebook: https://facebook.com/sunemit
- Địa chỉ văn phòng: Tầng 12, tòa nhà Tech 181 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.