Micro Inverter là gì? Khi nào nên lựa chọn biến tần vi mô?
Mục Lục
Micro Inverter là một trong 3 loại biến tần thường gặp của hệ thống điện mặt trời. Vậy Micro Inverter là gì? Ưu nhược điểm của loại biến tần này và nên sử dụng chúng trong những trường hợp nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Micro Inverter là gì?
Micro Inverter hay còn gọi là biến tần vi mô, mỗi biến tần vi mô sẽ được kết nối với một tấm pin mặt trời và cho phép mỗi tấm pin hoạt động độc lập. Điều này khác hoàn toàn so với các loại biến tần năng lượng mặt trời khác như String Inverter và Central Inverter chỉ sử dụng 1 hoặc 1 vài inverter cho một nhóm các tấm pin mặt trời mắc nối tiếp với nhau.
Tuy nhiên về chức năng, biến tần vi mô cũng thực hiện chức năng cơ bản đó là chuyển đổi dòng điện 1 chiều tạo ra từ các tấm pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều tương thích với các thiết bị điện.
Cách hoạt động của Micro Inverter
Micro Inverter thực hiện các chức năng sau:
- Chuyển đổi nguồn điện DC sang AC: Nhận nguồn điện DC từ các tấm pin mặt trời và chuyển đổi chúng thành nguồn điện AC.
- Theo dõi điểm công suất tối đa (MPPT): Biến tần vi mô có thể tối đa hóa công suất đầu ra cho mỗi tấm pin, cho phép tấm pin hoạt động với hiệu suất cao nhất ngay cả khi tấm pin bị che bóng hoặc bị bụi bẩn.
- Theo dõi hiệu suất hoạt động của từng tấm pin, giúp người dùng dễ dàng xác định các tấm pin bị hỏng, bị giảm hiệu suất. Từ đó thay thế kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến hiệu suất chung của hệ thống.
- Nguồn điện đầu ra AC: Nguồn điện AC tạo ra từ biến tần vi mô có thể sử dụng trực tiếp cho các thiết bị điện hoặc hòa vào lưới điện.
Ưu, nhược điểm của Micro Inverter
Cũng giống như các loại biến tần năng lượng mặt trời khác, biến tần vi mô cũng có những ưu nhược điểm riêng, cụ thể như sau:
Ưu điểm
Tối ưu hóa lượng điện năng tạo ra
Do biến tần vi mô được gắn với từng tấm pin thay vì một chuỗi pin như String Inverter hay Central Inverter. Do đó, khi một tấm pin gặp trục trặc hoặc bị giảm công suất thì sẽ không làm ảnh hưởng đến công suất của các tấm pin còn lại.
Điều này khác hoàn toàn so với hệ thống sử dụng String Inverter, vì nếu 1 tấm pin bị giảm công suất (do bị trầy xước, bị vật khác đè lên hoặc bị hỏng) thì các tấm pin còn lại cũng sẽ hoạt động với công suất thấp nhất bằng với tấm pin đang gặp sự cố.
Điều này có thể thấy rõ ràng trong ví dụ sau:
Trường hợp 1: Hệ thống sử dụng 1 biến tần chuỗi, 8 tấm pin mặt trời 350W và có 1 tấm pin bị che bóng.
Khi tấm pin bị che bóng có công suất giảm còn 300W thì tất cả các tấm pin còn lại cũng hoạt động với mức công suất thấp nhất là 300W. Điều này dẫn đến tổng sản lượng của cả hệ thống bị sụt giảm đáng kể.
Trường hợp 2: Hệ thống sử dụng 8 biến tần vi mô, 8 tấm pin mặt trời 350W và có 1 tấm pin bị che bóng.
Khi tấm pin bị che bóng có công suất giảm còn 300W thì các tấm pin còn lại vẫn hoạt động với mức công suất 350W. Vì vậy, mà tổng sản lượng của cả hệ thống sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi 1 tấm pin như trong trường hợp sử dụng 1 String inverter.
Dễ dàng nâng cấp hệ thống
Đối với hệ thống sử dụng biến tần vi mô, để nâng cấp công suất bạn chỉ cần lắp thêm các tấm pin và bộ biến tần vi mô. Còn với hệ thống sử dụng biến tần chuỗi, bạn sẽ phải thay thế bộ Inverter mới để phù hợp với tổng công suất của các tấm pin. Điều này gây lãng phí và tốn kém chi phí hơn.
Linh hoạt vị trí lắp đặt
Thông thường, với hệ thống sử dụng biến tần chuỗi, các tấm pin cần được lắp ở khu vực có nhiều ánh sáng nhất, hạn chế có vật che bóng vì chỉ cần 1 tấm pin bị che bóng sẽ làm ảnh hưởng đến các tấm pin còn lại. Vì vậy, các tấm pin cần được lắp đặt ở khu vực quang đãng để nhận được lượng ánh sáng đồng đều.
Trong khi đó, với hệ thống sử dụng biến tần vi mô, các tấm pin hoạt động độc lập nên không bắt buộc chúng phải nhận ánh sáng đồng đều. Thay vào đó có thể linh hoạt vị trí lắp đặt để thu được lượng ánh sáng nhiều nhất, giúp tối ưu hóa lượng điện năng tạo ra.
Tính năng ngắt khẩn cấp
Biến tần vi mô có thiết kế có thể ngắt điện nhanh, cho phép người dùng nhanh chóng ngắt điện để đảm bảo an toàn trong các trường hợp như hỏa hoạn, hay các sự cố khác cần ngắt điện nhanh chóng, tránh nguy cơ điện giật.
Lắp đặt đơn giản
Micro Inverter có cấu tạo đơn giản, bạn có thể lắp đặt chúng ở ngay mặt sau của mỗi tấm pin.
Tuổi thọ và độ bền
Biến tần vi mô có độ bền cao hơn so với biến tần chuỗi. Các bộ biến tần vi mô hiện đại thường được bảo hành 25 năm, còn các biến tần chuỗi thường có thời gian bảo hành khoảng 10 năm.
Nhược điểm
Giá biến tần vi mô cao: Đối với một hệ thống điện mặt trời, việc đầu tư vào biến tần vi mô sẽ tốn kém hơn khá nhiều so với các biến tần khác. Chi phí đầu tư cho biến tần vi mô thường cao hơn khoảng 15-20% so với các các loại biến tần thông thường.
Sửa chữa, bảo trì phức tạp hơn: Do số lượng micro inverter lắp đặt nhiều hơn nên việc bảo trì và sửa chữa cũng sẽ tốn kém và mất thời gian hơn. Cùng với đó, do micro inverter thường được lắp đặt đằng sau các tấm pin nên việc thay thế, bảo trì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khi nào nên lựa chọn biến tần vi mô?
Micro Inverter có giá thành cao hơn nhưng bù lại chúng hoạt động hiệu quả hơn so với các biến tần chuỗi (String inverter) và biến tần trung tâm (Central Inverter). Vì vậy, người dùng có thể cân nhắc sử dụng loại biến tần này trong những trường hợp sau:
- Khi không gian lắp đặt có nhiều cây cối, bị các tòa nhà hay vật thể che khuất.
- Khi cấu trúc mái nhà không có hướng cho các tấm pin hoạt động tối ưu.
Ngược lại, nếu bạn có không gian tốt để lắp đặt các tấm pin thì nên lựa chọn biến tần chuỗi cho hệ thống điện mặt trời của mình, vì khi đó bạn vừa có thể tiết kiệm chi phí, vừa có thể tối ưu hóa hiệu suất cho toàn bộ hệ thống.
Hi vọng với những thông tin cung cấp trên đây, SUNEMIT đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Micro Inverter và có được lựa chọn tốt nhất cho hệ thống điện mặt trời của mình. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.