Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng 1 lần
Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng 1 lần kể từ ngày 15/5/2024.
Theo quy định, giá bán điện bình quân sẽ được tính toán dựa trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua dịch vụ truyền tải, phân phối – bán lẻ điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành – quản lý ngành, điều độ hệ thống điện và các khoản chi phí khác gồm chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực EVN. Mức chi phí này được đưa ra nhằm đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện của EVN diễn ra đúng kế hoạch và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Về cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân:
1. Nếu giá bán điện bình quân theo tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Tuy nhiên, trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bắt đầu điều chỉnh giá điện, EVN cần lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thực hiện kiểm tra, giám sát.
2. Nếu giá bán điện bình quân cần tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì EVN có quyền điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Cũng trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bắt đầu điều chỉnh giá điện, EVN cần lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để các cơ quan và ngành liên quan thực hiện kiểm tra giám sát.
3. Nếu giá bán điện bình quân cần tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá điện ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ về phương án giá của EVN, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm trả lời EVN bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi thực hiện điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực EVN cần có trách nhiệm báo cáo lại cho Bộ Công Thương.
4. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN đề xuất, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và gửi ý kiến Bộ Tài chính cùng các Bộ, cơ quan liên quan để thực hiện kiểm tra, rà soát. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan để điều hành giá trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm: Giá bán lẻ điện sinh hoạt mới nhất của EVN
Theo dõi sunemit.com để cập nhật những tin tức mới nhất về ngành điện bạn nhé!
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.