Hợp đồng EPC là gì? Các quy định liên quan hợp đồng EPC
Mục Lục
Hợp đồng EPC là loại hợp đồng được sử dụng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Vậy cụ thể EPC là gì, ưu điểm của loại hợp đồng này và những quy định liên quan đến hợp đồng EPC là gì? Tất cả sẽ được SUNEMIT giải đáp trong bài viết dưới đây, cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
EPC là gì? Hợp đồng EPC là gì?
EPC là viết tắt của 3 từ tiếng anh, đó là:
- E (Engineering): có nghĩa là thiết kế.
- P (Procurement): có nghĩa là cung cấp vật tư, thiết bị.
- C (Construction): có nghĩa là thi công xây dựng công trình.
Theo đó, Hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) sẽ là hợp đồng thực hiện tất cả các công việc từ thiết kế, cung cấp vật tư/ thiết bị đến thi công xây dựng công trình.
Vì vậy, khác với các hợp đồng thông thường là tách riêng các hạng mục thiết kế, mua sắm thiết bị hay thi công, xây dựng thì hợp đồng EPC là tổng hợp của các hạng mục trên. Do đó, loại hợp đồng này thường được sử dụng phổ biến trong các dự án xây dựng có quy mô lớn và phức tạp, đòi hỏi tính đồng bộ cao từ thiết kế, mua sắm vật tư đến thi công.
Các bên tham gia hợp đồng EPC
- Chủ đầu tư: Người hoặc tổ chức sở hữu công trình và là bên chịu trách nhiệm tài chính cho dự án.
- Tổng thầu EPC hoặc Nhà thầu chính: Là nhà thầu trúng nhiều gói thầu trong cùng một dự án.
Tổng thầu EPC là gì?
Đối với 1 dự án, chủ đầu tư có thể chia nhỏ các gói thầu khác nhau, trong đó mỗi gói thầu sẽ có phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật và nhiệm vụ riêng. Khi đó, nhà thầu trúng nhiều gói thầu trong cùng một dự án chính là Tổng thầu EPC.
Tổng thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ các công đoạn của một dự án bao gồm: thiết kế, mua sắm vật tư/ thiết bị, thi công xây dựng, hoàn thiện công trình và bàn giao dự án cho chủ đầu tư.
Tổng thầu EPC có thể tự thực hiện tất cả các công đoạn của 1 dự án hoặc thuê các nhà thầu phụ để thực hiện các công đoạn khác nhau. Tuy nhiên, nếu tổng thầu ký hợp đồng với các nhà thầu phụ thì các nhà thầu phụ này cần phải được chủ đầu tư chấp thuận. Khi đó, tổng thầu sẽ là đơn vị phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ công việc với chủ đầu tư, bao gồm cả các công việc của các nhà thầu phụ.
Nội dung chính của hợp đồng EPC
Hợp đồng EPC thường đề cập đến những nội dung chính sau:
- Phạm vi công việc: Bao gồm tất cả các công việc mà nhà thầu phải thực hiện.
- Tiến độ công việc: Nêu rõ các mốc thời gian quan trọng của dự án.
- Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán giữa chủ đầu tư và Tổng thầu.
- Trách nhiệm của 2 bên trước, trong và sau khi hoàn thành dự án.
- Các quy định về bảo hiểm, bảo hành công trình.
- Phương án giải quyết tranh chấp nếu phát sinh.
Ưu, nhược điểm của gói thầu EPC
Ưu điểm
- Hỗ trợ quản lý dự án đơn giản hơn: Do chủ đầu tư chỉ cần làm việc với một nhà thầu duy nhất (Tổng thầu), điều này giúp giảm thiểu thời gian và công sức khi phải làm việc với nhiều bên liên quan.
- Giúp đẩy nhanh tiến độ dự án: Do tổng thầu chịu trách nhiệm toàn diện nên việc chuyển giao giữa các công đoạn của một dự án trở nên nhanh chóng hơn, thúc đẩy tiến độ dự án hoàn thành sớm hơn.
- Giảm thiểu rủi ro cho các chủ đầu tư: Vì Tổng thầu EPC chịu trách nhiệm cho toàn bộ dự án nên chủ đầu tư có thể an tâm về chất lượng công trình, tiến độ và chi phí, không phải lo ngại về biến động giá vật tư, nhờ đó có thể giảm thiểu được những rủi ro phát sinh trong quá trình thực thi dự án.
Nhược điểm
- Chi phí ban đầu cao: Do tính chất hợp đồng EPC là thực hiện tất cả các công đoạn của một dự án nên chi phí ban đầu sẽ thường cao hơn so với các loại hợp đồng khác.
- Chịu ảnh hưởng lớn bởi nhà thầu: Bởi thành công của dự án phụ thuộc phần lớn vào năng lực của nhà thầu.
- Khó thay đổi trong quá trình thực hiện: Khi hợp đồng đã được ký kết, các thay đổi trong dự án sẽ khó thực hiện. Hoặc việc thay đổi sẽ rất tốn kém cả về thời gian và chi phí.
Vì vậy để tránh được những rủi ro gặp phải khi ký hợp đồng EPC, các chủ đầu tư cần lựa chọn đơn vị tổng thầu EPC uy tín, có năng lực và trình độ chuyên môn cao để ký kết hợp đồng. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, hãy chọn các đơn vị uy tín, có trình độ kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm trong ngành để đảm bảo công trình điện mặt trời đạt được hiệu quả cao và độ bền tốt nhất.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.