Anti Islanding – Tính năng chống đảo trên biến tần hòa lưới
Mục Lục
Anti Islanding là một tính năng quan trọng của biến tần năng lượng mặt trời. Nó có chức năng ngăn chặn dòng điện ngược từ hệ thống điện mặt trời chảy vào lưới điện. Vậy Anti-Islanding là gì? Cách hoạt động của tính năng này ra sao? Cùng SUNEMIT giải đáp ngay trong bài viết sau.
Anti Islanding là gì?
Anti Islanding (bảo vệ chống đảo) là tính năng bắt buộc cần có trong biến tần hòa lưới để bảo vệ an toàn cho cả hệ thống và mạng lưới điện khi xảy ra sự cố mất điện.
Anti-Islanding hoạt động theo cơ chế tự động phát hiện sự cố mất điện trong vài giây và tắt biến tần ngay lập tức.
Vậy biến tần phát hiện sự cố mất điện bằng cách nào?
Biến tần phát hiện sự cố điện lưới dựa vào các phương pháp sau:
- Phương pháp chủ động: Biến tần sẽ đưa một tín hiệu nhỏ vào lưới điện và phân tích phản hồi. Nếu không có phản hồi phù hợp (vì lưới điện đã ngắt), biến tần sẽ ngắt hoạt động.
- Phương pháp thụ động: Biến tần giám sát các thông số như tần số và điện áp của lưới điện. Nếu có bất kỳ sự thay đổi bất thường nào, biến tần cũng sẽ ngưng hoạt động.
- Phương pháp hỗn hợp: Kết hợp cả phương pháp chủ động và thụ động để tăng cường độ nhạy và độ chính xác trong việc phát hiện sự cố lưới điện.
Xem thêm: Những tính năng an toàn được tích hợp trong biến tần năng lượng mặt trời
Vì sao cần ngắt biến tần khi mất điện?
Đối với hệ thống điện mặt trời đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia và không có lưu trữ. Khi mất điện lưới mà hệ thống vẫn hoạt động thì sẽ gây ra các hậu quả sau:
Nguy hiểm cho nhân viên sửa chữa: Vì khi có sự cố điện lưới, các nhân viên kỹ thuật sẽ phải đi kiểm tra và sửa chữa đường điện. Nếu hệ thống điện mặt trời vẫn hoạt động thì có thể gây nguy hiểm cho thợ điện, như xảy ra giật điện hoặc các tai nạn nguy hiểm khác.
Gây hư hại các thiết bị trong hệ thống: Hệ thống điện mặt trời và lưới điện không đồng bộ có thể gây ra hiện tượng dao động tần số hoặc điện áp, làm hỏng các thiết bị điện hoặc gây quá tải cục bộ.
Ưu nhược điểm của tính năng Anti islanding
Ưu điểm:
Đảm bảo an toàn cho hệ thống và lưới điện quốc gia: Biến tần tự động ngắt kết nối khi mất điện lưới, điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ giật điện hoặc mất an toàn cho nhân viên sửa chữa và bảo vệ các thiết bị điện.
Đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế: Theo quy định và tiêu chuẩn quốc tế, tất cả các hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới đều phải có tính năng anti-islanding để đảm bảo an toàn.
Nhược điểm:
Nếu mất điện lưới, hệ thống điện mặt trời sẽ ngừng hoạt động do biến tần tự động tắt. Vì vậy, nếu không muốn điều này xảy ra, bạn có thể lắp hệ thống điện mặt trời có lưu trữ. Khi đó hệ thống sẽ dùng biến tần hybrid để vừa chuyển đổi điện DC thành điện AC, vừa để sạc điện DC cho pin lưu trữ. Khi xảy ra mất điện, hệ thống sẽ lấy năng lượng từ pin lưu trữ để chuyển đổi thành điện AC cung cấp cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, giá thành của biến tần Hybrid sẽ đắt hơn khoảng 2 đến 3 lần so với biến tần hòa lưới và bạn sẽ cần trang bị thêm pin lưu trữ cho hệ thống của mình.
Như vậy, có thể thấy Anti Islanding là một tính năng quan trọng của biến tần, giúp ngăn chặn hệ thống điện mặt trời cung cấp điện vào lưới khi xảy ra mất điện. Do đó, khi lựa chọn biến tần bạn cần hỏi người bán để đảm bảo hệ thống sau khi lắp đặt tuân thủ đúng theo quy định của điện lưới hiện nay.
Phạm Hân là chuyên viên marketing tại Công ty điện mặt trời Sunemit. Với nhiều năm làm việc trong ngành marketing và 3 năm tìm hiểu về lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, Hân hi vọng có thể mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích, giúp bất kỳ ai cũng có thể hiểu rõ về hệ thống để lựa chọn giải pháp điện mặt trời tối ưu.